Người ta vẫn luôn nói về lịch sử mỗi khi có một sự kiện nào đó xảy ra. Với những người yêu bóng đá, sự đối đầu giữa 2 trường phái bóng đá châu Âu và châu Mỹ mà đại diện là Nam Mỹ luôn là những cuộc đối đầu căng thẳng nhưng không kém phần thú vị.
Đức – Argentina là một cặp đấu nhiều duyên nợ như thế. Họ không chỉ so kè nhau về số lần đoạt cúp vô địch mà còn là số bàn thắng trong các trận đối đầu, các cuộc “đụng độ” bên ngoài sân cỏ.
Năm 1974, người Đức vô địch thế giới năm 1974 dưới sự dẫn dắt của trung vệ… Frank Beckenbauer, dù phải băng cánh tay. Người Argentina nâng cao cúp vàng 4 năm sau đó.
Năm 1986, Maradona dẫn dắt các vũ công Tango nâng cao cúp vô địch trong sự mãn nguyện của HLV Bilardo, còn đối thủ của họ (CHLB Đức) ngậm ngùi với chiếc huy chương bạc sau khi đã gỡ được 2 bàn khiến Bilardo toát mồ hôi mỗi khi Đức được hưởng phạt góc (trận chung kết có tỉ số 3-2 nghiêng về Argentina).
Italia 1990. Thành Roma rực lửa chứng kiến thủ quân Lothar Matthaus giương cao cúp vàng sau 16 năm chờ đợi, dẫu đó là một trong những trận chung kết chán nhất trong lịch sử với bàn thắng duy nhất được ghi từ chấm phạt đền. Nhưng đối với người Đức, thế là đủ. “Hoàng đế” Beckenbauer mỉm cười mãn nguyện vì đã dẫn dắt học trò “phục thù” thành công. “Cậu bé vàng” Maradona không có cơ hội lần thứ hai đoạt chiếc cúp danh giá nhất, dù trong đội hình còn đó những Burruchaga, Caniggia, Pumpido hay chuyên gia bắt phạt đền Goycochea.
Nhưng 20 năm qua, thành tích của hai đội bóng tiếng tăm nhất nhì châu lục không như mong đợi của người hâm mộ, dù trong đội hình của họ không thiếu các cầu thủ đang chinh chiến tại các giải ngoại hạng hấp dẫn như Serie A, Premie League, Liga, Bundesliga… Đức còn “khá” hơn với vị trí thứ hai và thứ ba tại hai kỳ World Cup gần nhất, nhưng Argentina thì thậm chí còn bị loại từ vòng bảng World Cup 8 năm trước trên đất Nhật.
Nếu không phải là Loew mà là Klinsmann trên băng ghế huấn luyện của đội bóng Tây Âu 3 lần vô địch World Cup (1954, 1974, 1990), có lẽ sẽ còn nhiều chuyện hấp dẫn giữa hai đội bóng nhiều duyên nợ này không chỉ trên sân cỏ. Nhưng với Loew và Maradona, người hâm mộ vẫn đầy hi vọng vào một trận cầu hấp dẫn, có tỉ số cao như cái cách mà Barcelona và Real Madrid chơi trên chảo lửa Nou Camp (sân nhà của Barca), hay sân Bernabeu (sân nhà của Real) tại La Liga. Sẽ là một trận cầu vì cái đẹp của bóng đá và dĩ nhiên, không thiếu sự quyết liệt và hấp dẫn của một trận tứ kết kinh điển.
Hi vọng lắm chứ, phải không các tín đồ bóng đá!