GS.TSKH Nguyễn Thừa Hợp sinh ngày 24.12.1932 trong một gia đình tiểu tư sản ở Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Cha ông làm thư ký bưu điện còn bà mẹ bươn chải bằng nghề chạy chợ, buôn bán nhỏ. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công rồi kháng chiến chống Pháp nổ ra, cũng như bao nhiêu người khác, gia đình ông phải li tán mỗi người một nơi. Ông theo mẹ sơ tán ra ngoại thành, việc học tập bị gián đoạn, lúc ấy ông đang học dở lớp đầu tiên bậc trung học cơ sở. Hoàn cảnh sơ tán khó khăn không làm giảm lòng ham học của cậu học trò Hà thành thông minh. Ngoài thời gian lao động, tham gia các công việc như những đứa trẻ vùng tản cư, ông thường tranh thủ tự học bằng nguồn sách vở ít ỏi mang đi theo. Chẳng thế mà dù không được đến lớp nhưng vốn kiến thức và hiểu biết của ông vẫn được bồi bổ không ngừng.
Năm 1948, giặc Pháp càn về vùng nông thôn, ông lại theo mẹ rời lên thị xã Hà Đông. Tại nơi ở mới, điều kiện để tiếp xúc với môi trường học tập có tốt hơn nhưng cuộc sống lại khắc nghiệt và khó khăn hơn. Ông vừa tự học ở nhà vừa phụ giúp mẹ. Mẹ ông buôn bán, chạy chợ để đảm bảo cuộc sống, còn ông chủ yếu làm các công việc nhà như nấu cơm, giặt giũ. Đã có những thời gian ông phải đi học làm thợ may. Đó là những năm tháng tuy vất vả nhưng cũng để lại trong ông những kỷ niệm khó quên. Ban ngày, ông giúp mẹ lấy hàng, đưa hàng, tối đến mới có thời giờ để học. Suốt từ khi về thị xã cho đến năm 1951, ông học theo hình thức đó. Bằng hình thức thí sinh tự do mà ông đã thi đỗ và lấy được bằng thành chung và năm 1951, ông đỗ tú tài phần một. Sau đó, ông vào học lớp tú tài phần hai ở Trường THPT Chu Văn An và đậu tú tài phần hai năm 1952. Do hoàn cảnh gia đình vừa neo người lại khó khăn, nên sau khi tốt nghiệp tú tài, ông đã xin vào học Trường Cao đẳng Sư phạm với mục đích chính làm sao có học bổng để duy trì tiếp con đường học tập. Trong điều kiện như thế, ông vẫn không quên niềm đam mê toán học của mình. Vừa theo học Trường Cao đẳng Sư phạm, ông vừa đăng ký theo học Khoa Toán đại cương, Trường Đại học Khoa học. Sau hè năm 1953, ông học xong năm thứ nhất Trường Cao đẳng Sư phạm đồng thời đỗ Toán đại cương ở Trường Đại học Khoa học. Theo một vài người cùng thời cho biết, trong đợt thi Toán đại cương năm ấy, có tới 42 người đăng ký dự thi nhưng chỉ có 3 người đỗ trong đó có ông. Cuối năm 1953 - đầu 1954, giặc Pháp tăng cường lùng sục khắp nơi bắt thanh niên ra nhập quân ngũ. Mặc dù không muốn nhưng để tránh bị bắt lính, ông đã chủ động bỏ học, rời Hà Nội ra vùng kháng chiến, khi ấy ông đang học dở năm thứ hai Trường Cao đẳng Sư phạm. Vốn là trí thức tiểu tư sản trong thành nên khi ra vùng kháng chiến, cũng như một số người khác, ông gặp không ít những khó khăn cả về vật chất và tinh thần, bởi người ta vẫn mang tâm lý kỳ thị đối với những ai đã một thời sống trong vùng tạm chiếm. Nhưng ông không vì thế mà nản lòng, ông đã làm rất nhiều những công việc lao động tự do bằng chân tay để kiếm sống và ngay cả trong hoàn cảnh ấy, ông vẫn dành thời gian cho sách vở, cho khoa học. Ông luôn tâm niệm rằng phải tự mình vượt lên hoàn cảnh, không ngã lòng trước những khó khăn, phải phấn đấu bằng chính năng lực của bản thân, và có lẽ vì thế nên tất cả những thành công mà ông đã phải vất vả lắm mới có được ngày hôm nay thật đáng trân trọng, tự hào. Đó là tặng vật vô giá mà cuộc sống ban tặng cho một nhà sư phạm, một nhà khoa học có nghị lực, kiên trì, bền bỉ như ông.
Sau ngày hiệp định Giơnevơ được ký kết, quân Pháp rút; ông nhập vào đoàn người hồ hởi trở về thành phố Hà Nội vừa giải phóng, giấc mơ được tiếp tục học nốt chương trình đại học còn dang dở lại thôi thúc ông. Ông xin vào học Trường Đại học Sư phạm Khoa học vừa mới mở trên cơ sở hợp nhất 2 trường Cao đẳng Sư phạm và Trường Sư phạm Cao cấp bên Trung Quốc chuyển về. Sau một thời gian dài đi tản cư, được trở lại giảng đường đại học ông và bạn bè rất háo hức, ai cũng say sưa học tập như để truy thu lại những kiến thức mà chiến tranh đã làm gián đoạn. Lứa sinh viên hồi đó được học trực tiếp những người thầy giỏi, những nhà giáo uy tín như Lê Văn Thiêm, Nguyễn Cảnh Toàn, Ngô Thúc Lanh… Và chính các thầy là người đã giúp ông hoàn thiện dần tư duy toán học và phương pháp nghiên cứu khoa học…
Năm 1956 là năm được đánh dấu bởi sự ra đời của một số trường đại học danh tiếng về sau này như Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội… Cũng trong năm này, Nguyễn Thừa Hợp tốt nghiệp cử nhân ngành Toán học và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khóa học của ông được giữ lại rất đông, do miền Bắc mới hòa bình, nhu cầu về giáo dục đại học được đặc biệt quan tâm, hơn nữa lực lượng cán bộ, giảng viên còn thiếu rất nhiều. Ngay ở Khoa Toán lúc bấy giờ, lực lượng giảng viên rất mỏng, thầy Nguyễn Thừa Hợp mới về ít lâu đã phải trực tiếp tham gia vào công tác giảng dạy cho sinh viên. Ông và các bạn đồng nghiệp hồi đó vừa giảng dạy vừa tự mày mò học hỏi bởi có những kiến thức mới chưa hề được biết. Trong các ngành đào tạo có rất nhiều bộ môn mới xuất hiện, không còn cách nào khác, các giảng viên trẻ phải kịp thích nghi. Ông được phân công phụ trách môn Phương trình đạo hàm riêng, vừa giảng dạy vừa phải tự bồi dưỡng và bổ sung kiến thức. Ông cho biết, ngoài chuyên môn Toán thì ông cũng như các đồng nghiệp trẻ khác phải học tiếng Nga, một ngoại ngữ không thể thiếu vì các sách vở, tư liệu trong thư viện toàn bằng tiếng Nga. Ông kể một cách dí dỏm và đầy sự kính mến về người thầy đầu tiên dạy tiếng Nga cho ông chính lại là giáo sư toán Lê Văn Thiêm, dạy chủ yếu tập trung vào ngữ pháp, sau đó học từ chuyên môn, rồi cứ thế bổ sung dần dần các từ bằng cách giở sách chuyên môn ra dịch.
Ông không chỉ dạy cho các lứa sinh viên Khoa Toán - Cơ - Tin học mà còn là một người thầy tâm huyết được rất nhiều thế hệ học sinh Khối THPT chuyên Toán - Tin (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) kính trọng, yêu mến. Với ông, ngoài dạy cho học trò những kiến thức cơ bản còn phải cung cấp cho các em phương pháp học tập, nghiên cứu, mà hơn hết là thái độ nghiêm túc, đúng đắn trước một vấn đề mang tính khoa học dù là nhỏ nhất. Phải chăng vì thế mà bất cứ một ai đã từng được ông giảng dạy đều nhớ, đều nhắc đến tên ông mỗi khi kể về lớp cũ, trường xưa.
Năm 1964, ông được cử đi thực tập khoa học ở Liên Xô. Trước đó, ông đã có một số công trình tự làm ở Việt Nam và trong thời gian đi thực tập ấy ông đã kịp hoàn thành luận án tiến sĩ Toán học. Sau năm 1975, miền Nam giải phóng, trước yêu cầu mới của hoàn cảnh chính trị xã hội, những nhà khoa học đã có sẵn công trình nghiên cứu được tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ học vị, được phong học hàm. Năm ấy, thầy giáo Nguyễn Thừa Hợp bảo vệ thành công học vị tiến sĩ, cùng năm với thầy Hoàng Hữu Đường. Cũng chỉ sau đó không lâu, ông được phong Phó giáo sư (1980), rồi Giáo sư Toán học (1991). Bằng uy tín và năng lực của mình, ông đã được mời tham dự rất nhiều hội thảo khoa học ở trong nước và quốc tế. Ông từng có 1 năm là chuyên gia giáo dục tại Mađagatca (1981 - 1982), 3 năm là chuyên gia giáo dục tại Angiêri (1987 - 1990). Sau những chuyến đi như vậy, điều mà ông tích lũy được nhiều nhất không chỉ là những tri thức về khoa học của nhân loại mà còn là vốn sống, là phong cách làm việc trong những hoàn cảnh và môi trường khác nhau. GS.TSKH Nguyễn Thừa Hợp thuộc thế hệ những người thầy gắn bó và cống hiến tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội từ những ngày đầu thành lập. Tính đến khi nghỉ hưu (năm 2000), ông đã có hơn 40 năm gắn bó với giảng đường đại học, với Khoa Toán - Cơ - Tin học trong cương vị người thầy. Ông đã góp công sức đào tạo hàng ngàn cử nhân Toán học, trong đó có những người giờ đây đã trở thành những nhà khoa học, nhà quản lý nổi tiếng đứng đầu các viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương. Ông đã công bố 19 công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí nghiên cứu chuyên ngành trong nước và quốc tế, là tác giả của bộ sách "Phương trình đạo hàm riêng" (2 tập), bộ giáo trình "Giải tích" (3 tập) được sử dụng rộng rãi trong nhiều trường cao đẳng, đại học. Tuy tuổi đã cao nhưng bằng vốn kiến thức uyên bác ông vẫn đóng góp cho sự nghiệp giáo dục bằng việc viết những cuốn sách đầy tâm huyết. Và điều đặc biệt so với những đồng nghiệp cùng tuổi là ông rất am tường về Công nghệ thông tin, ông có thể sử dụng thành thạo các phần mềm để viết sách và chế bản sách. Ông xuất phát không phải là một người chuyên về Tin học, nhưng ông có thể sử dụng rất thành thạo các phần mềm Latex, Mapple, Corel Draw… để viết sách. Chính ông là người tự chế bản bộ Giáo trình "Giải tích" 3 tập nêu trên. Một nhà giáo 74 tuổi, theo kịp những tiến bộ của thời đại công nghệ thông tin (mặc dù chỉ trong chuyên môn) là một gương sáng cho nhiều bạn trẻ chúng ta suy nghĩ về tính bèn bỉ trong lao động…
Thời gian cứ thế trôi đi và thầy giáo Nguyễn Thừa Hợp vẫn âm thầm lao động cùng những công việc trầm lặng, gửi trọn tài năng và niềm tin cho các thế hệ học trò. Phần thưởng dành cho ông là những bằng khen, là danh hiệu Nhà giáo ưu tú và hơn hết là sự trân trọng, yêu kính của các thế hệ học trò, bạn bè, đồng nghiệp và người thân…
Nguồn: MathScope.ORG