Phan Đình Diệu sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh - một miền quê khắc nghiệt nhưng giàu truyền thống hiếu học. Khi hoà bình lập lại ở miền Bắc năm 1954 cũng là lúc ông tốt nghiệp trung học tại trường kháng chiến Phan Đình Phùng - Hà Tĩnh và tạm biệt quê hương ra Hà Nội thi vào Trường Đại học Khoa học. Hết năm thứ nhất, cậu sinh viên nghèo miền Trung ấy chọn Trường Đại học Sư phạm Khoa học với một lý do rất đơn giản: học Sư phạm để có học bổng vì kinh tế khó khăn. Nhưng cũng chính tại đây, Phan Đình Diệu đã tìm thấy sự say mê đối với ngành toán học, để rồi đến năm 1957, ông tốt nghiệp đứng đầu ngành và được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy.
Cuối năm 1962, ông được cử đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp. Tại đây, ông không chỉ thực hiện đề tài luận án của mình mà còn tích cực quan sát, học hỏi ở nước bạn, và từ đó ấp ủ khát vọng: muốn góp phần xây dựng một nền nghiên cứu Toán học có nhiều khả năng ứng dụng vào thực tế của đất nước. Mùa hè năm 1965, sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ, ông được đề nghị ở lại làm tiếp luận án tiến sĩ khoa học và đến năm 1967, ông về nước với học vị Tiến sĩ khoa học, dự định trở lại Trường Đại học Sư phạm để tiếp tục công việc của một cán bộ giảng dạy và nghiên cứu Toán học, nhưng theo sự phân công của cấp trên, ông đến công tác tại Uỷ ban Khoa học Nhà nước, bộ phận máy tính, cùng các bạn đồng nghiệp khác xây dựng phòng Toán học tính toán vừa được thành lập. Đến năm 1971, ông được đề nghị làm Trưởng phòng. Lúc này, cả nước mới chỉ có một giàn máy tính đặt tại đây, đòi hỏi phải được nghiên cứu để sử dụng và đào tạo cán bộ. Công việc khó khăn và mới lạ này vừa hấp dẫn ông, vừa củng cố trong ông sự quyết tâm đi sâu học tập, tìm hiểu và nghiên cứu về khoa học máy tính để xây dựng được những tập thể khoa học, không những biết sử dụng máy tính mà còn có khả năng hình thành dần những tập thể nghiên cứu ở trình độ cao về một số hướng phát triển hiện đại của khoa học máy tính và Tin học. Năm 1975, trong một chuyến thực tập tại Cộng hoà Pháp, ông đã được tiếp xúc với nhiều thành tựu hiện đại của ngành Tin học trên thế giới. Từ đó, ông đã say mê tìm hiểu hai hướng phát triển mà ông cho là có triển vọng nhất và có thể ứng dụng và phát triển ở Việt Nam là Vi tin học (trên cơ sở kỹ thuật vi xử lý và máy vi tính) và Viễn tin học (trên cơ sở công nghệ viễn thông và mạng máy tính). Về nước khi đất nước vừa được thống nhất, một thời kỳ mới xây dựng đất nước đã được mở ra, ông được tham gia vào việc nghiên cứu đề xuất các dự án về phát triển và ứng dụng toán học, khoa học máy tính vào công cuộc phát triển và tổ chức, quản lý kinh tế, v.v... Trong bối cảnh mới đó, ông đã đề xuất kiến nghị và xây dựng dự án thành lập một Viện nghiên cứu lấy tên là Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển; kiến nghị được chấp nhận. Đầu năm 1977, Viện được chính thức thành lập, và ông được phân công làm Viện trưởng. Là người dự thảo kế hoạch và cũng là người quản lý, từ năm 1977 đến 1985, ông đã đưa Viện vượt qua bao khó khăn, trở ngại của buổi đầu hoạt động, xây dựng được một số hướng nghiên cứu chính về tin học. Đến những năm 1979 - 1980, Viện đã tự lắp ráp được máy vi tính có thể làm việc được. Bên cạnh đó, Viện còn đào tạo được một đội ngũ cán bộ tin học (nhiều cán bộ chủ chốt về tin học hiện nay đã trưởng thành từ đó); tổ chức tuyên truyền và ứng dụng tin học trong một số ngành; tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế có uy tín về khoa học hệ thống, khoa học tính toán… thu hút được các nhà khoa học của nhiều nước tham gia.
Hành trình cuộc đời cũng như tên tuổi của GS. Phan Đình Diệu đã đi đến nhiều nơi - trong nước cũng như nước ngoài, với nhiều cương vị khoa học khác nhau: Trưởng phòng Toán học tính toán - Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học tính toán và điều khiển, Phó viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Phó trưởng Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về Công nghệ thông tin… Nhưng trước hết và trên hết, ông là một nhà khoa học đam mê nghề nghiệp, đam mê những tìm tòi, nghiên cứu và khám phá. Từ niềm đam mê cá nhân ấy đến những dự thảo kế hoạch, chương trình mà ông đề xuất và tham gia, tin học nói riêng, công nghệ thông tin nói chung, dần dần được triển khai nghiên cứu, ứng dụng trong các ngành, các lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, cuối những năm 80 của thế kỷ XX, khi tin học đã phát triển khá mạnh, ông đề xuất Dự thảo chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, dự thảo này được báo cáo với Chính phủ, được Chính phủ ủng hộ và đến năm 1994, Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin được thành lập theo Nghị quyết 49/CP của Chính phủ với một ban chỉ đạo mà ông là Phó trưởng Ban Thường trực. Chương trình này đã có những đóng góp quan trọng bước đầu về các hoạt động tin học hoá quản lý Nhà nước, mở ngành đào tạo công nghệ thông tin trong các trường đại học trên cả nước, phát triển các doanh nghiệp về công nghệ thông tin, đưa công nghệ thông tin đi sâu vào quản lý kinh tế và dần trở thành một nhân tố đặc biệt quan trọng, không thể thiếu trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội hiện đại. Ít ai biết rằng GS. Phan Đình Diệu lại là một trong những người đã lát những viên gạch đầu tiên để xây dựng nền móng cho sự phát triển của cả một ngành khoa học - công nghệ chiếm vị trí quan trọng trong đời sống, có tác động trực tiếp, to lớn và nhiều mặt tới toàn xã hội như vậy. Thế nhưng nói về công việc của mình, GS. Phan Đình Diệu hết sức khiêm tốn, ông cho rằng: đó là những gì thuộc chuyên ngành mà mình đã được đào tạo và mình yêu thích, say mê, đồng thời cũng là trách nhiệm của mình, thì mình làm - chỉ đơn giản thế thôi.
Kể từ khi trở về với học vị tiến sĩ khoa học từ đất nước Liên Xô, theo yêu cầu tất yếu của công tác nghiên cứu và phát triển khoa học của đất nước, Phan Đình Diệu gắn bó sự nghiệp của mình với các viện nghiên cứu. Nhưng ông vẫn luôn nhớ mình vốn là một sinh viên được đào tạo trong trường Sư phạm, mong ước có một ngày được trở lại với nghề dạy học. Khi các cơ quan nghiên cứu, các chương trình nghiên cứu do ông đề xuất thành lập và quản lý đã đủ lớn mạnh và hoạt động vững chắc, ông lại trở về với cương vị ban đầu giản dị mà cao quý ấy: Đại học Quốc gia Hà Nội - một trung tâm nghiên cứu và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao được thành lập, cần đến những nhà khoa học tài năng và tâm huyết như ông; đồng thời đó cũng là nơi để ông hiện thực hóa mong ước của mình: trở lại làm nhà giáo. Từ gần chục năm nay, ông giảng dạy các môn học: Độ phức tạp tính toán, Lý thuyết mật mã và an toàn thông tin, Lập luận logic trong các hệ tri thức cho sinh viên và học viên sau đại học Khoa Công nghệ Thông tin - Trường Đại học Công nghệ thuộc ĐHQGHN.
GS. Phan Đình Diệu luôn cảm thấy ấm áp, thanh thản và hạnh phúc khi đứng trên bục giảng để truyền đạt tri thức cho các thế hệ sau, khi được thấy ngành công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội đang ngày càng lớn mạnh - từ một khoa nay đã phát triển thành một trường với nhiều thành tựu trong nghiên cứu và đào tạo các chuyên ngành về công nghệ. Các thế hệ học trò của ông tốt nghiệp từ đây đều đang trưởng thành và nhiều người đã thành đạt. Thời đại mới đang mở rộng cánh cửa cho sự phát triển đồng thời cũng đặt ra rất nhiều thách thức đối với công nghệ thông tin của nước nhà, ông luôn luôn mong ước và kỳ vọng vào tài năng và nhiệt huyết của các thế hệ học trò ấy - những thế hệ đang tiếp tục sự nghiệp phát triển tin học trong điều kiện mới, đang đi tiếp con đường mà ông đã đi và khai phá, xây đắp cho con đường ấy ngày càng cao rộng.
Nhắc đến GS. Phan Đình Diệu là không chỉ nhắc đến một nhà khoa học tài năng, mà còn là nhắc tới một người thầy vừa nghiêm khắc, tỉ mỉ, vừa gần gũi, tận tình và nhân hậu. Ngoài việc lên lớp giảng dạy, các bộ giáo trình và sách chuyên khảo, các bài khoa học đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước của ông là những tài liệu tham khảo quan trọng cho sinh viên, giới nghiên cứu và những người quan tâm đến toán học và tin học. Bên cạnh đó, ông cũng là người tích cực tham gia đóng góp ý kiến đối với quá trình đổi mới nói chung, của công tác giáo dục - đào tạo nói riêng, của đất nước.
Nguồn: MathScope.ORG