GS. Hoàng Tụy sinh ngày 17.12.1927, tại làng Xuân Đài, Điện Bàn, Quảng Nam, là cháu nội em ruột cụ Hoàng Diệu - nhà yêu nước chống thực dân xâm lược Pháp nửa cuối thế kỷ XIX. Mồ côi cha khi mới lên bốn, gia đình túng bấn lại đông anh em nên tuổi thơ của ông khá vất vả.
Nhờ học giỏi, sau khi học hết 6 năm tiểu học cậu bé Tụy thi đỗ vào năm thứ nhất Cao đẳng Tiểu học Trường Trung học Khải Định ở Huế (nay là Quốc học Huế) lúc đó là trường trung học duy nhất ở toàn Trung Bộ có đầy đủ đến cấp học tú tài (giáo dục trung học thời ấy gồm cấp Cao đẳng tiểu học 4 năm và cấp Tú tài 3 năm). Không may, học đến giữa năm thứ hai Cao đẳng tiểu học Hoàng Tụy bị một trận ốm "thập tử nhất sinh" phải bỏ học hẳn 1 năm về quê chữa bệnh. Chính trong thời gian 1 năm bị bệnh tật này mà Hoàng Tụy đã bắt đầu suy nghĩ nhiều về tương lai, về cuộc đời, nên khi bệnh đã bớt nguy kịch ông bắt đầu tranh thủ tự học Toán, Lý, Hóa, Văn… qua các sách vở do các anh ông để lại. Sau này, nhớ lại, ông tâm sự: "Đây chính là thời điểm quyết định tương lai cuộc đời tôi. Vì cả hoài bão khoa học cùng với thói quen tự học đều đã hình thành trong những chuỗi ngày dài chiến đấu với bệnh tật và dưỡng sức khi bệnh đã qua khỏi nguy kịch".
Trở lại trường để học tiếp được nửa năm, Hoàng Tụy lại tiếp tục đau ốm liên miên. Việc xin giấy chứng nhận ốm để xin nghỉ học quá rày rà, ông đành bỏ cả học bổng toàn phần của Trường Quốc học Huế, ra học trường tư. Sau khi bình phục, ông "nhảy cóc" luôn hai lớp, và tuy là thí sinh tự do, ông vẫn đỗ cao kỳ thi tú tài bán phần năm 1945, và năm sau, chỉ mất 4 tháng tự học, đỗ đầu kỳ thi tú tài toàn phần Ban Toán.
Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông về quê tham gia kháng chiến rồi vào Quảng Ngãi dạy học ở trường Trung học Lê Khiết, Liên khu V.
Năm 1951, nghe tin tiến sĩ toán học lừng danh Lê Văn Thiêm trở về Việt Nam và sắp mở Trường Khoa học Thực hành Cao cấp ở Việt Bắc, Hoàng Tụy xin ra Bắc để học và được lãnh đạo Liên khu V chấp nhận. Mang trên lưng một balô đựng đầy gạo, muối, sách và thuốc chống sốt rét, ông lần theo con đường mòn dọc dãy Trường Sơn để đi ra Việt Bắc, tầm sư học đạo. Tới Thanh Hoá, vào vùng tự do Liên khu IV, ông nghỉ lại hai tháng để dạy hè, dành tiền đi tiếp ra Việt Bắc. Đến nơi mới biết Trường Khoa học Thực hành Cao cấp không mở được mà chỉ có Trường Sư phạm Cao cấp và Khoa học Cơ bản, đóng ở Khu học xá TW tại Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) để tránh máy bay địch. Vì chương trình Toán ở hai trường này ông đã tự học cả rồi khi còn ở Liên khu V, nên Bộ Giáo dục đưa ông sang Khu học xá TW để vừa dạy Sư phạm Trung cấp ở đó, vừa có điều kiện tranh thủ tự học thêm theo nguyện vọng.
Lúc ấy, ở Nam Ninh có thể dễ dàng mua sách khoa học, kỹ thuật tiếng Nga của Liên Xô. Nhờ may mắn vớ được cuốn "Hàm biến số thực" của N.P. Natanson, ông bèn tự học tiếng Nga để đọc sách Nga. Học theo lối du kích, qua một cuốn sách cũ dạy tiếng Nga cấp tốc cho doanh nhân, ông chỉ học một ít từ cơ bản và đọc qua ngữ pháp, rồi bắt đầu đọc ngay vào sách toán. Mấy trang đầu, hầu như từ nào cũng phải tra từ điển, sau đó ít dần, cho đến 1 tháng sau thì ông đã có thể đọc trôi chảy cuốn "Hàm biến số thực". Rồi cũng theo cách đó, đọc tiếp cuốn sách toán thứ hai, thứ ba... Cứ thế, từ năm 1951 đến năm 1954, ông đã kiên nhẫn tự học chương trình đại học Toán của Liên Xô, đồng thời nghiên cứu những vấn đề tổng quát về giáo dục.
Nhờ thế, sau mấy năm, thầy giáo trẻ Hoàng Tụy đã nổi tiếng không chỉ dạy giỏi (được bầu là giáo viên xuất sắc) mà còn am hiểu khá sâu về lý luận giáo dục. Đầu năm 1955, ông được Bộ Giáo dục điều về Hà Nội và giao cho phụ trách công tác chuẩn bị cải cách giáo dục phổ thông để thống nhất hệ phổ thông 9 năm ở vùng tự do với hệ 12 năm ở vùng mới giải phóng thành hệ phổ thông 10 năm. Tiếp đó, ông được giao phụ trách Ban Tu thư - tổ chức biên soạn chương trình và sách giáo khoa cho tất cả các môn học của hệ giáo dục phổ thông 10 năm. Tuy thời gian gấp rút (trong 6 tháng phải có đủ chương trình và sách giáo khoa mới phục vụ khai giảng niên khóa 1955 - 1956), nhưng ông đã hoàn thành công việc đúng hạn.
Song song với công tác trên, tháng 9.1955, ông được GS. Lê Văn Thiêm mời kiêm dạy một số giờ toán tại Trường Đại học Sư phạm Khoa học. Trường này chỉ tồn tại 2 năm (1955 - 1956) và đào tạo được 3 khoá, nhưng đã có một vai trò rất quan trọng: tất cả các sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi hồi ấy và sau đó được bổ nhiệm làm cán bộ giảng dạy ở các trường đại học đều đã trưởng thành. Nhiều người đã trở thành những nhà khoa học tài năng, những cán bộ khoa học đầu ngành và những cán bộ lãnh đạo khoa học có uy tín.
Năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Sư phạm Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 2183/TC của Chính phủ. GS. Lê Văn Thiêm được cử làm Chủ nhiệm Khoa Toán chung của cả hai trường. Thầy giáo Hoàng Tụy được chuyển hẳn sang biên chế Trường Đại học Sư phạm, trở thành một trong những cán bộ giảng dạy đầu tiên của Khoa Toán chung ấy.
Một năm sau, tháng 8.1957, Hoàng Tụy cùng với 8 cán bộ khác được cử sang thực tập tu nghiệp 1 năm tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô). Chỉ mấy tháng sau ông đã có 2 công trình công bố trên "Báo cáo Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô", nên được cho ở lại thêm 1 năm nữa để hoàn thành luận án tiến sĩ Toán - Lý.
Tháng 3.1959, Hoàng Tụy đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Lômônôxốp. Lĩnh vực nghiên cứu của ông là Giải tích thực, nhưng chẳng bao lâu sau, ông nhận thấy tuy đây là lý thuyết hay và quan trọng nhưng khó có ứng dụng thực tế ở Việt Nam, ít nhất là vào thời điểm ấy, cho nên năm 1961, ông bắt đầu chuyển sang nghiên cứu Vận trù học. Sau một thời gian tìm hiểu, ông bắt đầu có công trình nghiên cứu về lĩnh vực mới này, và sau khi gặp và trao đổi ý kiến với nhà toán học Nga nổi tiếng L.V.Kantorovich (chuyên gia hàng đầu thế giới về ứng dụng toán học vào kinh tế, đã được giải thưởng Nobel năm 1974), ông dứt khoát chuyển sang Lý thuyết tối ưu - một ngành Toán học có nhiều ứng dụng trong Vận trù học và nhiều ngành kinh tế, công nghệ.
Đầu năm 1961, ông khởi xướng và hướng dẫn phong trào ứng dụng vận trù học ở miền Bắc, bắt đầu từ ngành giao thông vận tải rồi dần dần mở rộng sang nhiều ngành kinh tế khác. Lúc bấy giờ trên thế giới vận trù học hãy còn rất mới mẻ, nên một số phóng viên báo chí nước ngoài (như Le Monde) rất ngạc nhiên, khi biết có những thành tựu vừa mới ra đời ở Mỹ cách đó chỉ mấy năm (như phương pháp "đường găng" hay PERT) mà đã được nghiên cứu ứng dụng ở Việt Nam ngay trong hoàn cảnh chiến tranh. Ngoài lợi ích thiết thực về kinh tế, việc này đã có ý nghĩa mở ra một hướng mới, đưa toán học ứng dụng vào kinh tế ngay ở một nước còn rất lạc hậu về khoa học - kỹ thuật. Hơn nữa, các khái niệm vận trù, tối ưu, hệ thống, hiệu quả, được phổ biến rộng rãi đã góp phần không nhỏ làm thay đổi tư duy quản lý của cán bộ lãnh đạo và qua đó gián tiếp tác động đến hiệu quả quản lý kinh tế thời đó
Nguồn: MathScope.ORG