Đôi khi, nói ra một lời chia tay không đúng cách khiến cho mối quan hệ của cả hai rơi vào ngõ cụt.
Khi không còn dành tình cảm cho nhau nữa, cách tốt nhất là chia tay. Nhưng đôi khi, nói ra một lời chia tay không đúng cách khiến cho mối quan hệ của cả hai rơi vào ngõ cụt.
Chia tay bằng…tin nhắn/ mail
“Chúng ta chia tay đi!”. Bạn nghĩ sao nếu nhận được một cái tin nhắn như thế?
Điện thoại di động hay các hộp mail rõ ràng đóng vai trò to lớn trong việc nuôi dưỡng tình yêu lớn lên. Nhưng công nghệ không dùng cho việc cắt đứt một mối quan hệ. Tình cảm không phải là thứ mà chỉ cần một câu ngắn củn và vỏn vẹn như thế mà chấm dứt. Chúng ta bỏ nhiều công sức để theo đuổi và nuôi dưỡng tình yêu tồn tại, vậy tại sao không thể có được một lời chia tay thật sự nghiêm túc và đàng hoàng?
Hoặc là biến mất?
Cách này xem ra còn tàn nhẫn hơn trên. Một ngày cảm thấy không còn tình cảm nữa, bạn chọn cách tránh mặt, không nghe điện thoại và phớt lờ tin nhắn của người ta? Bạn hy vọng đối phương sẽ tự hiểu, mặc kệ chuyện người ta sẽ đau lòng hoặc lo lắng thế nào nếu không thể liên lạc với bạn.
Đúng là thường thì người ta sẽ hiểu, và từ từ hai bạn sẽ tự xa nhau mà không cần nói lời giã từ. Nhưng rõ ràng đây cũng là một cách trốn tránh, và nó thì không đẹp chút nào.
Chia tay bằng người thứ 3
Không có cách gì đẩy một mối quan hệ nhanh chóng đến bờ vực tan vỡ bằng sự xuất hiện của người thứ 3. Bạn biết điều đó, và hiển nhiên đem nó vào áp dụng cho chuyện của mình.
Nhưng hãy giữ lại cho mình sự tôn trọng của đối phương ngay cả khi đã chia tay bằng một buổi nói chuyện thẳng thắn và chân thành. Bạn đem người thứ 3 vào chỉ khiến mọi thứ càng rối tung, và vô tình gây ra cho người ta một tổn thương rất khó để hàn gắn.
Nhờ người khác nói hộ
Người ta không hề biết đến việc chia tay cho đến khi nghe…”hàng xóm” thì thầm to nhỏ về chúng?
Thật là kinh khủng khi mọi chuyện không đến trực tiếp với người ta mà vòng vèo qua khắp nơi trước khi cập bến đến “khổ chủ”. Bạn có nghĩ đến việc bên cạnh nỗi đau chia tay, người ấy còn phải gánh chịu rất nhiều dư luận bàn tán xung quanh không? Đừng làm vậy nhé, được không.
Ép đối phương chia tay
Chỉ vì không đủ can đảm để chia tay, bạn tìm cách ép và đẩy cái “nhiệm vụ” đó qua người ta. Bạn thay đổi tính cách, làm nhiều chuyện khó chịu, lại hay hoạch hoẹ giận hờn với hy vọng họ sẽ phát chán và nói chia tay?
Có thể đối phương sẽ chia tay như bạn muốn, và người ta sẽ là người mang tiếng phụ bạc. Nhưng làm như vậy chỉ khiến hình ảnh bạn trở nên xấu xí, và người ta lại nghĩ chia tay bạn biết đâu lại là hay. Chúng ta không mong muốn thì cũng đừng làm điều đó với người khác chứ.
Một vài điều bạn cần lưu ý nhé:
- Điều quan trọng nhất là bạn phải suy nghĩ thật kỹ lưỡng. Phải chắc chắn là mình nói chia tay không phải chỉ vì một phút nóng giận nhất thời, không phải để ra hậu thư hay là cái cớ để đòi hỏi.
- Tuy không còn yêu nhau, nhưng bạn cũng nên nghĩ cho người ta một chút. Đừng làm người ta thêm đau sau một chuyện buồn gia đình, điểm thi tệ hại, hoặc đội bóng yêu thích vừa thua cuộc. Hãy kiên nhẫn đợi thêm một ít thời gian.
- Một cuộc hẹn gặp trực tiếp là tốt nhất. Đừng bao giờ sử dụng bất cứ hình thức nào để trốn tránh đối mặt.
- Bạn không cần phải nói quá nhiều về lí do chia tay. Một vài câu kiểu như “Không hợp nhau” hoặc “ chúng ta nên dừng lại” tuy cổ điển nhưng vẫn khá công hiệu.
- Nhớ là đừng dày vò hay trách móc đối phương. Khi bạn đã quyết định chia tay nghĩa là đã đắn đo suy nghĩ rất kỹ, và những lỗi lầm đó không thể cứu vãn. Vậy thì không cần phải “truy cứu trách nhiệm hình sự” nữa.
- Có thể người ta sẽ cảm thấy sốc trước quyết định này. Sự nóng giận hay nước mắt là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nên hãy chuẩn bị cho mình tâm lý và thần kinh vững vàng nhé.
Chúng ta đã từng tốn nhiều thời gian chuẩn bị cho một lời tỏ tình. Vậy thì chia tay cũng cần bạn phải là một người can đảm, đúng không?
Đặng Thị Hạnh Dung