Thuở nhỏ, sống ở dưới quê, bọn trẻ chúng tôi suốt ngày chỉ nô đùa quanh quẩn cạnh bờ đê với lũy tre làng.
Vào những trưa hè nắng gắt, cả lũ kéo nhau đi đào dế. Những đứa trẻ mặt còn lấm bùn nhưng vẫn hớn hở tay cầm chai nước và một cái que nhỏ tìm lỗ dế, cùng cười nói, cùng vui đùa láo loạn cả một quãng đê. Chúng tôi thi nhau tìm những vụn đất nhỏ lấp ló đâu đó trên nền cỏ xanh rì. Chỉ cần tinh ý một chút là có thể phát hiện ngay đó là tổ dế. Sau đó chỉ cần đổ nước vào lỗ dế đó là tự khắc chủ nhà sặc nước sợ ngạt phải bò ra ngoài.
Thành quả thu được khi là những chú dế trũi, dế đồng làm mồi cho đàn gà hoặc cho tụi con gái chơi đồ hàng, nhưng vui nhất vẫn là những chú dế mèn mà chúng tôi hay gọi là những võ sĩ để đem ra trọi-đó có thể coi là trò chơi riêng của chúng tôi, mà chỉ những người sống ở quê mới có thể biết được.
Khi tôi lớn thêm một chút, nhà tôi chuyển lên thành phố. Vậy là tôi phải dời xa đám trẻ, dời xa những buổi trưa hè, dời xa những chú dế quen thuộc, bắt đầu trải nghiệm một cuộc sống mới, ở một vùng đất mới và tiếp xúc với nhiều điều mới.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua cuốn trôi bao kỉ niệm thời thơ ấu, trò bắt dế ngày nào cũng dần trôi vào quên lãng, thay vào đó là những đồ chơi mới, hiện đại, đẹp đẽ. Tôi bận rộn với nhiều việc và dường như không còn để ý gì tới những chuyện xưa, và trò chơi con trẻ ngày nào cũng đã mờ nhạt.
Năm tôi 18 tuổi, trước ngày thi học sinh giỏi thành phố môn văn, trường tôi có tổ chức cho học sinh đi thăm trẻ em mồ côi ở một trung tâm bảo trợ. Ở đó, rất bất ngờ, tôi đã gặp được một người bạn năm xưa, hơn tôi 3 tuổi. Anh khoe anh đang học đại học sân khấu điện ảnh. Nhưng tôi còn bất ngờ hơn khi anh dành tặng bọn trẻ ở trung tâm đó một đoạn phim anh tự làm. Đoạn phim về trò bắt dế. Đoạn phim lập tức gây được sự chú ý của bọn trẻ, chúng dường như thờ ơ với những món quà đồ chơi hiện đại mà chúng nhận được và thậm trí còn nhao nhao đòi về quê anh chơi trò bắt dế.
Tôi đã khóc. Khóc vì quá xúc động trước sự thích thú của bọn trẻ, khóc vì những hình ảnh hiện ra trước mắt quá đỗi thân quen. Khóc vì tự thấy tủi nhục, xấu hổ khi thời gian qua đã quên những gì không nên quên. Khóc vì khúc đê đó, rặng cỏ đó, bờ tre đó kéo về từ tiềm thức tôi khiến mọi cảm xúc như ào ạt. Và tôi khóc vì tôi vui mừng khi nhận ra những kỉ niệm tuổi thơ bình dị ở quê hương luôn là những kỉ niệm đẹp đẽ nhất.
Mạc Thị Thúy Hằng (Hải Dương)