Hội thảo xây dựng danh mục thiết bị dạy học (TBDH) cho hệ thống các trường THPT chuyên:
(GD&TĐ) - Ngày 9/11, tại
tỉnh Vĩnh Phúc Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo xây dựng danh mục thiết bị
dạy học (TBDH) cho hệ thống các trường THPT chuyên, dưới sự chủ trì của
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển. Tham dự tại Hội thảo còn có lãnh đạo các
Vụ, Cục chức năng, các chuyên gia nghiên cứu, lãnh đạo một số Sở GD-ĐT,
các trường chuyên, đội ngũ các thầy cô giáo có nhiều kinh nghiệm bồi
dưỡng HSG thi quốc gia và quốc tế, ...v..v.
|
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo |
Mục đích của Hội thảo nhằm xây dựng danh
mục TBDH các môn chuyên làm cơ sở cho việc trang bị TBDH cho hệ thống
trường THPT chuyên cả nước. Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên
giai đoạn 2010-2020, nhằm hướng tới xây dựng và phát triển các trường
THPT chuyên thành một hệ thống cơ sở GD trung học có chất lượng GD cao,
đạt chuẩn quốc gia, có trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại và là
hình mẫu của các trường THPT về CSVC, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các
hoạt động GD, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng những HS
có năng khiếu, có tư chất thông minh để đào tạo nên các nhà khoa học,
nhà quản lý, doanh nhân giỏi, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong
thời kỳ CNH, HĐH, hội nhập quốc tế.
Ông Phạm Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục
CSVC và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em cho biết: Từ những bài học
rút ra từ thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo bồi dưỡng HSG ở các nước
trong khu vực và quốc tế cho thấy, một trong những giải pháp quan trọng
cần thiết là phải chú trọng đến CSVC, TBDH của các trường THPT chuyên.
|
Các đại biểu dự Hội thảo |
Vốn đầu tư cho dự án gồm: Ngân sách Nhà
nước (chương trình mục tiêu quốc gia GD-ĐT và vốn vay ODA); nguồn ngân
sách địa phương và các nguồn hỗ trợ khác. Cụ thể tập trung xây dựng
phòng học; khối phòng chức năng, khối phục vụ; thiết bị dạy học...vv.
Hạng mục đầu tư phân chia theo 3 nhóm trường: Các trường THPT chuyên
trọng điểm (15 trường); các trường THPT chuyên ở các tỉnh khó khăn nhất
(17 trường); các trường THPT chuyên còn lại.
Liên quan đến sử dụng TBDH, theo PGS.TS
Phạm Văn Quế, nguyên chủ nhiệm Khoa Vật lý Trường ĐHSP Hà Nội: Trách
nhiệm bồi dưỡng HS chuyên có 2 giai đoạn: Một là các Sở GD- ĐT trực tiếp
bồi dưỡng HS thi đỗ vào các đội tuyển quốc gia. Hai là bồi dưỡng HS thi
quốc tế do Bộ GD-ĐT. Giai đoạn một rõ ràng thuộc về các Sở. TBDH đó do
Sở phụ trách. Nhưng nếu thiết bị dành cho HS thi quốc tế đặt ở đâu? Tốt
nhất, đơn vị nào bồi dưỡng HS thì thiết bị đặt ở chỗ đó, bởi hiện có
nhiều môn bồi dưỡng HS thi khu vực và quốc tế không do đơn vị trong Bộ
bồi dưỡng mà gửi ở các Viện. Mặt khác, các thiết bị đã được trang bị
trong các trường cũng cần tiếp tục sử dụng, nhưng cần bổ sung thêm phần
thiết bị thí nghiệm, tránh lãng phí.
TS Nguyễn Xuân Chi, Viện Vật lý kỹ thuật
nhấn mạnh: Chúng ta nên chọn mỗi tỉnh hoặc một số trung tâm kết hợp đào
tạo bồi dưỡng giáo sinh sư phạm cộng với HS chuyên. Không nên tách
thiết bị THPT với chuyên vì chuyên ít nhất phải học THPT chung. Do vậy
nên sử dụng thiết bị chung, và phải trang bị đồng bộ.
Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Amsterdam
Hà Nội Phạm Văn Đại thì cho rằng các địa phương phải lo cung cấp nguồn
lực con người sử dụng thiết bị cho phù hợp. Còn theo Phó GĐ Sở GD-ĐT
Vĩnh Phúc Nguyễn Xuân Trường khi xây dựng phòng học bộ môn các trường
chuyên cần có phòng thí nghiệm. Một tiết học chỉ có 45 phút, nếu HS chỉ
học ở phòng bộ môn mà không có phòng thí nghiệm riêng sẽ không có hiệu
quả. Bởi có những nội dung HS làm nhiều thí nghiệm mới thành công.
Hiệu trưởng trường chuyên tỉnh Lào Cai
Nguyễn Trường Giang lại băn khoăn không tuyển được cán bộ quản lý thiết
bị đồ dùng dạy học. Giải quyết vấn đề này cần có biên chế cho các
trường, thay cho việc GV kiêm nhiệm bảo quản thiết bị.
TS Lê Văn Lập- Trường ĐHKHTN-ĐHQG Hà Nội
trăn trở phải có kinh phí hàng năm để bảo quản cho CSVC, trang thiết bị
duy trì hoạt động. Tránh tình trạng trang thiết bị nằm im một chỗ cần
phải có nguồn kinh phí nuôi nó. Thực tế cho thấy các thiết bị càng đắt
tiền GV càng sợ HS làm hỏng, nên chỉ muốn HS quan sát.
Kết luận của Thứ trường Nguyễn Vinh Hiển: - Các trường chuyên phải đảm bảo chất lượng khi mua sắm TBDH. - Cần tập huấn cho GV sử dụng TBDH. - Từ năm học 2011-2012 đề nghị thi HSG quốc gia phải có thêm phần thi thực hành thí nghiệm. - Các trường, GV tự nâng cao năng lực thực hành sử dụng TBDH.
- Đối với đội tuyển tập huấn thi quốc gia và quốc tế cần được trang bị thêm TBDH hiện đại nhưng phải sử dụng sao cho hiệu quả. Chúng ta cần sử dụng TBDH sẵn có của các trường ĐH,Viện...v..v. |
Kết luận hội thảo nhóm: - Cần có một hội đồng chuyên gia góp ý khi trang bị TBDH cho phù hợp THPT chuyên của Việt Nam, vừa chuẩn nhưng phải hiện đại. - Đề nghị tách phòng đa năng thành các phòng riêng vì dùng chung thiết bị sẽ kém hiệu quả, thậm chí chỉ dùng được 1-2 lần/năm nếu cứ học chung. - Bắt buộc bài thực hành của HS phải có thiết bị và phụ kiện chuẩn, đầy đủ. - Đảm bảo an toàn khi sử dụng TBDH trong phòng học bộ môn, nhất là các chất dễ cháy nổ. - TBDH có thể đóng gói, dễ vận chuyển, tiện sử dụng, phù hợp với môn học. - Dự trù kinh phí nuôi TBDH lâu dài...vv. |
Việt Hoa